Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng Tám 1945: "… Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…" và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ học sinh, sinh viên nước ta thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.
Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng…
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra.
Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào học sinh, sinh viên. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương.
Ngày 9/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khoá để phản đối.
Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục.
Các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.
Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn không khí tranh đấu đang sôi nổi, tại Hà Nội, học sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá ngày 25/11/1949, trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”.
Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên.
Tiếp nối truyền thống anh hùng vẻ vang của Đồng chí Trần Văn Ơn, học sinh trường THCS Tân Triều đã không ngừng cố gắng học tập và chăm chỉ rèn luyện, hưởng ứng các phong trào “Thi đua tốt, học tập tốt”, “Hoa điểm 10”, “Giờ học tốt, tuần học tốt”… Qua đó hoàn thiện và phát triển toàn diện cho học sinh và ngày càng nhiều tấm gương điển hình trong học tập góp phần xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam vững mạnh.