Sáng ngày 10/01/2022, Liên đội tổ chức Sinh hoạt đầu tuần trực tuyến với chủ đề “Dấu ấn – Địa chỉ đỏ tại địa phương em”. Các em học sinh đều biết đến chùa Triều Khúc, về điệu múa “Con đĩ đánh bồng” nhưng nguồn gốc, lịch sử, ý nghĩa thì hầu như các em đều không nắm rõ.
Chùa Triều Khúc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử – Nghệ thuật – Kiến trúc ngày 29/01/1993. Từ những gì còn sót lại, chùa Triều Khúc cho thấy dấu tích của thời nhà Đinh (đến nay đã hơn 10 thế kỷ). Căn cứ vào lời của câu đối còn được đặt trong Tam bảo của chùa: “Hương Vân tự Cổ Tòng Đinh – Lý – Trần – Lê Kỷ Kinh Vật Hoán Tinh Di Thần Thông Tự Tại”.
https://youtu.be/I4Nu_nn4dMc
Đặc biệt hơn, khi nhắc về Triều Khúc thì ai ai cũng biết đến Lễ hội làng Triều Khúc - nơi nổi tiếng với “điệu múa bồng” chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XXVI. Theo đó, 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đợt này. Trong số đó có Lễ hội Làng Triều Khúc (Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội).
https://youtu.be/W9hg0ozs9UI
Lễ hội diễn ra từ ngày mồng 9 đến 12 tháng Giêng hàng năm, được dân làng Triều Khúc duy trì từ nhiều đời nay, nhằm tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, người đã mang lại cuộc sống ấm no, bình yên cho dân làng. Ngày nay, lễ hội làng Triều Khúc vẫn giữ được những giá trị truyền thống, nhất là điệu múa bồng được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Lễ hội được đăng trên rất nhiều trang báo
Điệu múa bồng bắt nguồn từ tích là khi Bố Cái đại vương Phùng Hưng khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đường, mỗi khi thắng trận để tổ chức ăn mừng chiến thắng và khích lệ tinh thần của nghĩa quân, ông cho trai tráng là binh sĩ đóng giả gái đeo trống nhỏ để múa hát.
Điệu múa được thể hiện bởi những chàng trai giả gái. Những chàng trai được tuyển chọn kỹ lưỡng, và phải là dân của làng, ngoan ngoãn, thành đạt, mặt mũi sáng sủa, khôi ngô, lý lịch trong sạch. Sau đó đội múa được tập luyện cùng ban nhạc tại câu lạc bộ múa bồng vào những ngày trước hội. Các chàng trai sẽ được trang điểm sao cho giống con gái trong bộ quần áo mớ ba mớ bảy với má phấn, môi son, khăn đỏ mỏ quạ. Trong điệu múa, các chàng trai sẽ vừa đi vừa nhún nhảy, miệng cười tươi, ánh mắt đong đưa, tay vỗ trống bồng theo âm thanh vang dội, tưng bừng của lễ hội.
Hành trình không chỉ là chuyến tham quan dã ngoại mà qua đó nhà trường còn lồng ghép hoạt động trải nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống và giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh.